NỖI MIỀM MÙA CƯỚI!

Bao mối tình rồi cũng có ngày bén duyên, đám cưới như một minh chứng cho tình yêu. Ngày cưới đúng thực “trăm năm chỉ có một” với cô dâu chú rể, cũng là ngày vui trọn vẹn của đôi bên gia đình. Nhưng bên cạnh niềm vui còn lắm nỗi niềm trăn trở.

noiniemcuoi

Mời nhầm còn hơn bỏ sót

Tuân bạn tôi từ cơ quan về nhà cầm tấm thiệp mời đỏ chót trên tay không mấy vui vẻ. Tôi định buông đùa vài câu cho vui “người tình cũ lại đi lấy chồng à”, nhưng chưa kịp hỏi thì Tuân đã phân trần: “Tuần nào cũng ăn cưới thế này thì sạt nghiệp”.

Tôi thắc mắc: “Ngày vui bạn bè thân thích mời nhau là lẽ đương nhiên, sao ông lại nói vậy?”. Tuân tiếp tục: “Thân thích đã đành, tôi nhận thiệp mời mà còn không hình dung ra nó là ai nữa đấy. Sau một hồi mới nhớ ra, cách đây mấy tháng cơ quan có buổi giao lưu với cơ quan bạn, gặp gỡ xã giao uống với nhau vài ly bia, thế rồi mất tăm chứ có liên lạc gì nữa đâu, vậy mà…”.

Sự đời có nhiều cái kỳ thực… Biết nhau sơ sơ là mời, người được mời chẳng lấy gì làm vui; chủ nhà thì cứ mang tâm lý mời đại, mời càng đông càng vui, mà không mời nhỡ sau này lại bị trách!

Đó là chuyện cưới phố. Cưới làng cũng chẳng thua kém gì. Lâu ngày tôi về quê. Mới hôm nay, sáng sớm mai đã thấy hai cụ “ăn diện”.Tôi thắc mắc, các cụ giải thích ngay: “Đi ăn cưới. Năm nay được mùa, làng ta, làng bên thi nhau cưới con ạ. Từ đầu tháng đến giờ cũng ba bốn đám rồi, tính đến hết tháng chắc cũng vài đám nữa”.

Tôi vội thắc mắc: “Trước cấp uỷ thôn đã có nghị quyết tang ma, cưới hỏi, giỗ chạp phải thực hiện theo đời sống mới, không làm linh đình, mâm cao cỗ đầy, tránh lãng phí cơ mà”. Mẹ tôi thở dài: “Nghị quyết cứ nghị quyết, ai làm cứ mặc, mà đám con mấy ông lãnh đạo làm càng to, nên dân nhà nào nhà nấy “theo gương” lãnh đạo hết”.

Chuyện cưới hỏi ở làng quê còn vướng nặng bởi quan hệ láng giềng theo lối trọng tình. Là hàng xóm với nhau cả, sao nhà này mời nhà kia lại không? Rồi sao mời ông chú mà không mời ông bác? Thế nên cả làng nối nhau đi ăn cưới cả. Nhiều đám chẳng cần gửi thiệp, cứ lên loa phóng thanh làng thông báo là xong, khỏi sót!

Vay lãi đi ăn cưới

Bác Nguyễn Quang Thứ ở làng bên qua nhà tôi chơi tâm sự: “Ngon hay dở thì cũng đi ăn cưới, không đi thì họ trách, mà đi thì không thể chúc phúc suông. Thời buổi giá cao, quà mừng cũng phải lớn lớn một chút”.

Cảnh cả nhà cùng đi ăn cưới cũng không phải hiếm. Bác Thứ tiếp tục câu chuyện: “Hôm đám thằng Hùng con nhà ông Ất, bác được mời với diện là bạn thân của bố nó, bác gái được mời với diện hàng xóm láng giềng, còn thằng Kiên lại là bạn của thằng Hùng, nên cũng không thể sót, vậy là cả nhà ăn cưới”. Rít một hơi thuốc lào bác tiếp lời: “Năm nay hàng nông sản rớt giá, bán không được, hôm kia bác gái mày lên ngân hàng vay ít “vốn” về ăn cưới đó. Bác tính, từ giờ đến hết mùa, cái làng này cũng còn bốn đám nữa…”.

… Và Rock xuyên màn đêm

Mùa cưới quê thực sự là mùa hội của nam thanh nữ tú. Cứ hễ có đám là tối đến trong làng ngoài xã lớp trẻ lần lượt kéo về “dự hội”. Từ chén chú chén anh, đến những màn nhạc sống xé tai, volume cực đại. Càng về khuya càng hăng, các “ca sỹ” làng thoả sức thi tài với đủ loại nhạc từ dân ca quan họ, đến tân cổ giao duyên rồi pop, rock. Tiếng đàn, tiếng hát cùng tiếng chó sủa xé toạc cả màn đêm vốn thanh bình nơi làng quê. Chỉ tội các cụ già và em nhỏ, đang nồng giấc bỗng chốc giật mình.

Cưới hỏi là nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt. Nhưng cùng với đổi thay của xã hội, nó đang có nhiều điểm “phá cách”. Trộm nghĩ, hạnh phúc của đôi bạn trẻ không đong đếm bằng mâm cao cỗ đầy, mà quý hơn hết ở những tấm lòng thảo thơm. Dù cưới quê hay cưới phố cũng cần đơn giản gọn nhẹ, vừa tiết kiệm vừa phù hợp truyền thống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *